Trong bối cảnh khó khăn chung của làn sóng toàn cầu hóa mạnh mẽ, để có thể tăng cường sức cạnh tranh, "vượt sóng" hội nhập và khẳng định thương hiệu, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã chủ động xây dựng chiến lược kinh doanh phù hợp, hiệu quả, từng bước chinh phục thị trường trong nước và thị trường quốc tế.
Nói đến câu chuyện “đem chuông đi đánh xứ người” của doanh nghiệp Việt Nam phải kể đến chiến lược đầu tư nước ngoài rất thành công của Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel. Đến nay, hoạt động này đã trở thành một trong ba trụ cột chính của Tập đoàn. Tổng số thị trường nước ngoài Viettel đang kinh doanh là 10 nước, trải rộng từ châu Á, châu Phi đến châu Mỹ với hơn 300 triệu dân, gấp hơn ba lần dân số của Việt Nam. Đáng chú ý, ở hầu hết các thị trường này, Viettel đều nhanh chóng vươn lên vị trí hàng đầu, góp phần đưa tổng doanh thu quốc tế của Viettel năm 2015 tăng 9,1%, đạt gần 1,5 tỷ USD.
Là thị trường nước ngoài đầu tiên của Viettel, Viettel Cam-pu-chia đã chính thức kinh doanh được tám năm (2009) với thương hiệu Metfone. Được biết, tại thời điểm Viettel còn “chân ướt, chân ráo”, thị trường viễn thông Cam-pu-chia đã có bảy nhà mạng khác, trong đó có ba nhà mạng đã tồn tại gần 10 năm là Mobitel, Mfone và TMIC với thị phần rất lớn. Nhất là, nhà mạng Mobitel (công ty cổ phần giữa Tập đoàn Hoàng gia Cam-pu-chia và Millicom) đã chiếm hơn 50% thị phần, một con số tưởng chừng khó có thể vượt qua tại thời điểm đó. Tuy nhiên, chỉ sau hai năm thành lập, Metfone đã tạo nên một kỳ tích trong lịch sử viễn thông Cam-pu-chia khi vươn lên số một, vượt qua bảy doanh nghiệp khác đã có nhiều năm kinh nghiệm kinh doanh tại thị trường này. Sáu năm qua, Metfone vẫn luôn giữ vững vị thế hàng đầu với 46% thị phần di động, 60% thị phần cố định băng rộng. Đối với ngành viễn thông Cam-pu-chia, Metfone đã có những đóng góp lớn. Lần đầu tiên mạng lưới di động đã được phủ kín đến vùng sâu, vùng xa với gần chín nghìn trạm (2G, 3G, 4G); cùng với hơn 20 nghìn km cáp quang (phủ 100% huyện và 95% xã). Cũng kể từ khi Metfone cung cấp dịch vụ, giá cước viễn thông tại Cam-pu-chia đã giảm từ hai đến bốn lần, mức độ thâm nhập của các dịch vụ tăng lên từ hai tới mười lần. Với sự tăng trưởng thần kỳ này, Metfone đã mang lại sự thay đổi đáng ghi nhận cho cuộc sống người dân Cam-pu-chia khi người nghèo, sinh viên, công nhân và cả người dân ở những vùng núi xa xôi hay biển đảo cũng có thể sử dụng điện thoại. Metfone đã thật sự mang đến cho người dân Cam-pu-chia một cuộc cách mạng về viễn thông, đưa dịch vụ này đến tất cả mọi thành phần trong xã hội. Bên cạnh đó, Metfone là nhà mạng đầu tiên và duy nhất tại Cam-pu-chia khai trương dịch vụ ví điện tử eMoney, một sản phẩm công nghệ thông tin do chính người Việt Nam xây dựng, phát triển. Với doanh thu 70 triệu USD trong năm đầu đưa ra thị trường, sản phẩm đã được vinh danh tại Giải thưởng Kinh doanh Quốc tế 2016 (International Business Awards - IBA Stevie Awards) với giải bạc cho “Dịch vụ mới tốt nhất của năm”. Ngoài ra, với vị thế của mình, Metfone là cầu nối cùng các doanh nghiệp Việt khác vươn tới thị trường Cam-pu-chia đầy tiềm năng như Ngân hàng Quân đội (MB), FPT Telecom, Vinamilk, Bệnh viện Chợ Rẫy... Nhờ những thành công đó, đến nay, Metfone đã thu hồi hết vốn cho Viettel, đồng thời đem lại lợi nhuận về nước hơn 200 triệu USD, gấp hơn năm lần vốn đầu tư ban đầu.
Cùng với Metfone tại Cam-pu-chia, Unitel cũng là một thương hiệu liên doanh giữa Viettel và đối tác L.A.T của Lào, trong đó Viettel chiếm 49%. Khai trương từ tháng 10-2009, Unitel đã nhanh chóng trở thành nhà mạng số một tại Lào và đang giữ tốc độ hoàn vốn kỷ lục của Viettel, hoàn vốn sau ba năm kinh doanh trong khi các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài chỉ thường bắt đầu tính đến chuyện có lãi sau 5 năm kinh doanh. Ngày 15-10-2012, Unitel là doanh nghiệp khai trương cung cấp dịch vụ 3G với vùng phủ mạng lưới đứng đầu tại quốc gia Lào. Tháng 6-2015, Unitel cũng chính thức cung cấp dịch vụ 4G, một lần nữa khẳng định vị thế nhà cung cấp dịch vụ viễn thông lớn nhất Lào. Tới nay, nhà mạng Unitel có 2,65 triệu khách hàng, chiếm 47% thị phần (đứng đầu thị trường sáu năm liên tiếp); đem lại lợi nhuận hằng năm từ 50 đến 100 triệu USD. Tính đến tháng 8-2016, Unitel đã cán mốc một tỷ USD doanh thu lũy kế sau bảy năm kinh doanh.
Chính những thành tựu đạt được cùng những ảnh hưởng tích cực tới thị trường đã khiến Unitel được giới chuyên môn đánh giá cao. Brand Finance - công ty tư vấn chiến lược và đánh giá thương hiệu hàng đầu thế giới có trụ sở tại Anh, giá trị thương hiệu của Unitel tăng 106% so với năm 2015 và là thương hiệu viễn thông hoạt động hiệu quả nhất khu vực ASEAN. Trước đó, ngày 13-11-2012, tại Giải thưởng Truyền thông Thế giới (World Communication Award - WCA) 2012, Unitel cũng đã chiến thắng tại hạng mục Hãng viễn thông tốt nhất tại thị trường đang phát triển. Cũng như Metfone tại Campuchia, Unitel cũng là cầu nối vững chắc cho các doanh nghiệp Việt tại Lào như BIDV, FPT, Vietinbank... Gần đây nhất là hợp tác đưa Laolympic - sân chơi tri thức đầu tiên dành cho học sinh từ lớp một tới lớp 12 tới cho đất nước Triệu Voi.
Tại Hội nghị Cấp cao Tam giác phát triển Cam-pu-chia - Lào - Việt Nam lần thứ 9 (CLV 9) được tổ chức tại Xiêm Riệp (Cam-pu-chia), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề xuất Viettel đầu tư hiện đại hóa mạng viễn thông ba nước bằng công nghệ 4G, hỗ trợ xây dựng Chính phủ điện tử cho ba nước, và áp dụng mức cước gọi giữa thuê bao của Viettel tại ba nước tương đương với mức cước trong nước. Trong khi đó, Thủ tướng Cam-pu-chia Xăm-đéc Tê-chô Hun Xen cũng đề nghị Viettel hỗ trợ xây dựng cầu truyền hình giữa ba Thủ tướng và giữa các cơ quan ba nước để tăng cường trao đổi và tiết kiệm ngân sách.
Việt Thanh
[Theo Báo Nhân Dân: https://nhandan.vn/tin-tuc-kinh-te/doanh-nghiep-viet-vuon-ra-the-gioi-279288]